Tìm Hiểu Về Tiêu Chuẩn DMR (Tier) Của Máy Bộ Đàm Motorola
Tiêu chuẩn DMR là gì? Giới thiệu cơ bản cho người sử dụng bộ đàm
Trong bối cảnh công nghệ viễn thông không ngừng phát triển, DMR (Digital Mobile Radio) đã và đang trở thành một trong những tiêu chuẩn được ưu tiên hàng đầu dành cho máy bộ đàm kỹ thuật số. DMR không phải là một dòng máy bộ đàm cụ thể, mà là một tiêu chuẩn, được thiết kế để phục vụ các hoạt động đàm thoại và truyền dữ liệu trong hệ thống bộ đàm di động chuyên nghiệp.
Tiêu chuẩn DMR được phát triển bởi Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) – một tổ chức phi lợi nhuận uy tín, DMR là một tiêu chuẩn mở. Điều này có nghĩa là nó cho phép nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu có thể tự do lựa chọn và áp dụng, từ đó thúc đẩy sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Với tiêu chuẩn mở và có những ưu điểm vượt trội mà công nghệ DMR đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn bộ đàm kỹ thuật số được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trên toàn thế giới.

Ưu điểm vượt trội của công nghệ DMR: nâng tầm hiệu suất liên lạc
Sự phổ biến của DMR không chỉ đến từ việc nó là một tiêu chuẩn mở, mà còn nằm ở những lợi ích kỹ thuật vượt trội mà nó mang lại. Đây là những yếu tố giúp các doanh nghiệp tối ưu hoạt động liên lạc của mình nhờ tiêu chuẩn DMR:
- Hỗ trợ hai cuộc đàm thoại cùng lúc trên một kênh đơn: Đây là một trong những ưu điểm nổi bật nhất của tiêu chuẩn DMR. Nhờ áp dụng công nghệ Time Division Multiple Access (TDMA) trên một kênh 12.5kHz đơn, tiêu chuẩn DMR cho phép hỗ trợ đồng thời 2 cuộc gọi độc lập (ở chế độ Analog, người dùng chỉ được hỗ trợ 1 cuộc gọi). Về cơ bản, TDMA chia kênh thành hai khe thời gian (A và B) khác nhau, mỗi khe đóng vai trò là một đường liên lạc riêng biệt, mang lại hiệu quả gấp đôi trên cùng một băng tần.
- Tăng cường gấp đôi hiệu suất tần số: Hai khe thời gian TDMA không chỉ hỗ trợ hai cuộc gọi mà còn mang lại hiệu suất kênh tương đương 6.25 kHz trên cùng một tần số được cấp phép. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên tần số
- Tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng: Khả năng sử dụng hai kênh liên lạc chỉ với một trạm chuyển tiếp, một ăng ten và một duplexer đơn giản giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống.
- Tương thích ngược với hệ thống Analog hiện có: Tiêu chuẩn DMR sử dụng kênh tần số 12.5kHz, được thiết kế sẵn tính tương thích ngược với các hệ thống bộ đàm Analog hiện có. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể chuyển đổi dần dần sang kỹ thuật số mà không cần thay thế toàn bộ hệ thống hiện tại, chỉ cần duy trì giấy phép hiện có để đảm bảo tính tương thích.

- Thời lượng pin dài hơn và hiệu suất năng lượng cao hơn: Bộ đàm sử dụng công nghệ TDMA của tiêu chuẩn DMR giúp tiêu hao ít công suất pin hơn đáng kể – từ 19% đến 34% mỗi giờ sử dụng – so với các công nghệ FDMA. Điều này kéo dài thời gian hoạt động của thiết bị, giảm tần suất sạc pin và tăng cường hiệu quả sử dụng.
- Chất lượng âm thanh tuyệt vời và rõ nét: chế độ kỹ thuật số của DMR có khả năng lọc tiếng ồn tốt hơn so với chế độ Analog. Điều này giúp duy trì chất lượng âm thoại rõ ràng ở khoảng cách xa hơn. Âm thanh nhận được rõ và chân thực hơn, cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng, đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc ồn ào.

Các cấp độ (Tiers) của DMR, đa dạng hóa lựa chọn theo nhu cầu
Để đáp ứng các nhu cầu khách hàng đa dạng, ETSI đã mở rộng và phát triển ba cấp độ (Tiers) khác nhau cho tiêu chuẩn DMR. Mỗi cấp độ mang đến một bộ tính năng và khả năng khác nhau, phù hợp với từng môi trường và mục đích sử dụng cụ thể:
DMR cấp độ I (Tier I)
- Dải tần số: Là dải tần số (16 kênh) được ETSI phân bổ cho mục đích sử dụng không cần cấp phép tại Liên minh Châu Âu (băng tần 446 MHz - 446.2 MHz).
- Tính khả dụng: Người dùng có thể mua thiết bị Tier I tương thích và sử dụng ngay lập tức mà không cần qua thủ tục cấp phép phức tạp.
- Công suất phát: Công suất phát tối đa của mỗi bộ đàm nhỏ hơn 500 mW.
- Hạn chế: Do tần số không được cấp phép riêng, thiết bị máy bộ đàm Tier I có khả năng bị nhiễu sóng từ những người dùng khác trong cùng khu vực. Đây là lựa chọn phù hợp cho các hoạt động nghiệp dư hoặc trong phạm vi hẹp, không đòi hỏi độ bảo mật cao.
DMR cấp độ II (Tier II)
- Dải tần số: Thiết bị hoạt động trong dải tần số DMR chung, thường là 136 - 174 MHz (VHF) và 403 - 527 MHz (UHF).
- Yêu cầu cấp phép: Thiết bị DMR Tier II phải được cấp phép sử dụng tần số từ cơ quan tại quốc gia đó (ví dụ: Cục Tần số Vô tuyến điện tại Việt Nam) để tránh các vấn đề nhiễu sóng và đảm bảo hoạt động hợp pháp.
- Khả năng mở rộng: Thiết bị máy bộ đàm Tier II cho phép sử dụng bộ chuyển tiếp tín hiệu (Repeater) để tăng phạm vi hệ thống và xây dựng hạ tầng vô tuyến, phù hợp cho các tổ chức có phạm vi hoạt động rộng hơn.
- Hiện trạng: Các máy bộ đàm Tier II đã có mặt rộng rãi trên thị trường và được các doanh nghiệp vừa và lớn tin dùng.

DMR cấp độ III (Tier III)
- Dải tần số: Hoạt động trên cùng dải tần số với Tier II (136 - 174 MHz và 403 - 527 MHz).
- Tính năng bổ sung: Bổ sung nhiều tính năng và chức năng cao cấp hơn, phù hợp cho các hệ thống liên lạc quy mô lớn và phức tạp.
- Chế độ vận hành Trunking: Tier III vận hành ở chế độ "Trunking", nghĩa là các tần số được phân bổ tự động cho bộ đàm thay vì có tần số cố định. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tần số, cho phép cấp phép ít tần số hơn nhưng vẫn duy trì cùng số lượng cuộc gọi, từ đó giảm đáng kể chi phí tần số.
- Quản lý kênh tối ưu: Việc phân bổ tự động tần số loại bỏ khả năng hai nhóm cố gắng giao tiếp trên cùng kênh và gây nhiễu, điều này rất quan trọng trong các hệ thống lớn, đảm bảo tính liên tục và ổn định của thông tin liên lạc.
- Dịch vụ dữ liệu mở rộng: Thêm các dịch vụ dữ liệu tiên tiến như: khả năng gửi tin nhắn SMS, dịch vụ định vị (GPS), dữ liệu đo lường từ xa (telemetry data), lập trình qua sóng (over-the-air programming), và điều khiển bộ đàm từ xa.
- Hiện trạng: Các sản phẩm Tier III đã được đưa ra thị trường từ năm 2012 và ngày càng trở nên phổ biến trong các ứng dụng đòi hỏi tính năng cao cấp và hiệu quả quản lý tần số tối ưu.

Việc hiểu rõ về tiêu chuẩn DMR và các cấp độ của nó là vô cùng quan trọng đối với những người làm việc trong ngành bộ đàm. Nó không chỉ giúp chúng ta lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu cụ thể mà còn định hướng cho sự phát triển của các giải pháp liên lạc kỹ thuật số trong tương lai. Với những ưu điểm vượt trội về hiệu suất, khả năng tương thích và tiết kiệm chi phí, DMR chắc chắn sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho hệ thống thông tin liên lạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.